1- "Nhân cách hóa" con chó, và vi phạm các nguyên tắc hình thành phản xạ có điều kiện. Không thấy sự khác nhau trong hoạt động thần kinh cấp cao của người và chó:
- Coi con chó có tư duy như con người là không đúng (tư duy người là có phân tích, có suy nghĩ, có đạo lý vv...). Chúng ta nên tôn trọng "bà mẹ tự nhiên" đã được hình thành qua hàng vạn, hàng triệu năm để dạy con chó của mình hình thành các hành động như ta mong muốn.
- Phản xạ có điều kiện chỉ được hình thành trên cơ sở phối hợp giữa kích thích có điều kiện và kích thích không điều kiện. Không thể giáo dục dạy dỗ con chó bằng lý lẽ, bằng thuyết giáo đạo lý như người.
- Chó chỉ có hệ thống tín hiệu thứ nhất (đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu), người có hệ thống tín hiệu thứ 2 (phức tạp hơn lên quan đến ý nghía, nội dung của lời nói..)
2- Không tính đến đặc điểm cá biệt của từng con chó để lựa chọn phương pháp huấn luyện phù hợp (có 6 phương pháp huấn luyện); tính chất, thời gian kéo dài, cường độ và phương thức sử dụng kích thích, để thành lập phản xạ có điều kiện theo một trình tự riêng biệt.
- Con chó thuộc loại thần kinh mạnh? linh hoạt? Cân bằng? yếu?
- Con chó thuộc giống chó bảo vệ? chó làm việc, chó săn? chó cảnh? chó chọi? vv...
- Mục đích huấn luyện?
3- Huấn luyện không tuân theo nguyên tắc: từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa (đây là nguyên tắc kinh điển).
4- Thiếu thứ tự trong việc tập luyện các động tác huấn luyện. Nhiều động tác trong huấn luyện có liên quan với nhau, hỗ trợ hình thành các động tác huấn luyện.
5- Sự huấn luyện quá mức đã xuất hiện sự mệt mỏi của hệ thần kinh của chó do lặp lại kéo dài và thường xuyên một bài tập (chó có dấu hiệu ức chế thần kinh, mệt mỏi về thể xác và từ chối làm việc).
6- Sử dụng không đúng sự kết hợp các kích thích có điều kiện và kích thích không điều kiện để hình thành phản xạ có điều kiện. Đây là sai sót nghiêm trọng nhất và phổ biến nhất.
- Sai thứ tự: kích thích có điều kiện có sau kích thích không điều kiện;
- Không kịp thời: sau khi sử dụng kích thích có điều kiện lại sử dụng kích thích không điều kiện muộn quá hoặc không sử dụng kích thích không điều kiện.
- Lặp đi lặp lại kích thích có điều kiện nhiều lần, sau đó mới sử dụng kích thích không điều kiện.
7- Ngữ điệu phát khẩu lệnh không đúng là một trong những sai sót thường gặp: đều đều hoặc ngữ điệu đe dọa mà không xét đến những đặc tính cá biệt của chó và các hành động được chó thực hiện (vd: quá lạm dụng ngữ điệu đe dọa mà không hiểu việc đó là không cần thiết hoặc có hại cho mối quan hệ giứa hlv và chó - hoặc ngược lại, ngữ điệu quá mềm mỏng, đùa cợt không nghiêm túc làm cho chó coi thường hlv) .
8- Sai sót về phương pháp và kỹ thuật sử dụng thức ăn thưởng:
- Chó chưa làm được đã thưởng.
- Thưởng không kịp thời (chó làm được rồi mà mãi sau hlv mới thưởng cho chó)
- Lạm dụng quá nhiều.
- Không cân đối thức ăn thưởng cho cả quá trình buổi tập.
- Dùng thức ăn nuôi dưỡng thường ngày của chó làm thức ăn thưởng.
- Không kết hợp với các hình thức khuyến khích khác (khen ngợi, vuốt ve...)
9- Sử dụng dây cương không đúng.
- Dùng dây cương đánh chó.
- Khoa mục dùng cần dùng dây ngắn lại dùng dây dài (và ngược lại)
- Khoa mục cần có kích thích ngay lại để chùng dây vv...
10- Không tự tin, không tạo được uy tín của mình đối với chó (nếu để tình trạng này xảy ra thì hlv không thể dạy được chó). Ngược lại, chó quá sợ hãi đối với hlv thì chó cũng bị ức chế, trầm cảm và cũng sẽ khó tiếp thu bài học.
11- Sự đơn điệu của các điều kiện hoàn cảnh quen thuộc; không tuân thủ theo các thứ tự các bài học phức tạp (gây ra sự nhàm chán, trơ lì và chó sẽ khó học tốt).
12- Chó chưa chú ý, chưa tập trung vào học tập mà hlv đã tiến hành luyện tập.
13- Tín hiệu ra lệnh hoặc tín hiệu dạy chó không rõ ràng, không ngắn gọn, không nhất quán, còn tùy tiện.
14- Huấn luyện nửa vời, không bắt chó tập luyện đến nơi đến chốn, dễ làm khó bỏ.
15- Bỏ qua hoặc không coi trọng công tác huấn luyện chuẩn bị, đó là: huấn luyện cho chó thích thức ăn thưởng, thích đồ chơi thưởng, thích nghe lời khen, và 1 số động tác nhằm phát huy những bản năng cần thiết cho công tác huấn luyện cơ bản sau này vv.... không làm tốt công tác huấn luyện chuẩn bị chẳng khác nào đốt cháy giai đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả huấn luyện chó sau này.
B- Các sai lầm của chủ chó:
1- Chọn giống chó sai: không phù hợp với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, không phù hợp với mục đích nuôi chó của mình.
2- Không có kiến thức cần thiết về giống chó mình cần nuôi.
3- Không có các thông tin cần thiết về con chó mình dự định mua, nuôi.
4- Không có kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ và sử dụng con chó của mình ngay từ khi bắt đầu nhận chó về nhà.
5- Không được trang bị những kỹ năng tối thiểu để nuôi dưỡng, dạy dỗ và sử dụng con chó mình nuôi.
6- Nghĩ rằng mua chó đã qua huấn luyện là đương nhiên con chó sẽ nghe lời mình. Đây là 1 sai lầm tương đối phổ biến của chủ chó và dễ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng:
- Chó đã qua huấn luyện thường đã lớn nên không trung thành tuyệt đối với chủ mới. Không những thế nó lại "có võ" nên sẵn sàng "bật lại" khí chủ mới ứng xử mà nó cho là "không phù hợp".
- Nhiều con chó "có vấn đề" chủ cũ mới bán.
- Chất lượng huấn luyện như thế nào cũng khó có thể kiểm chứng được.
- Giá cả cũng thường cao nên khi thấy con chó không phù hợp thì chủ mới sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế.
- Nhiều trường hợp chó được mua về, chưa thấy bảo vệ được ai nhưng chủ mới và gia đình lại bị "ưu tiên" cắn trước ("mở hàng"). Để được con chó mới về coi là chủ thật sự không đơn giản. Nhiều trường hợp chủ mới chỉ là chủ danh nghĩa, chủ sở hữu chứ không được con chó mới mua về coi là chủ thật sự mà nó cần bảo vệ.
- Chủ mới sử dụng sai mệnh lệnh chó đã được học (thực tế chắc chắn xảy ra) thì có mà "sử dụng vào mắt"!
7- Những ứng xử sai thường gặp đối với con chó của mình:
- "Nhân cách hóa" con chó của mình, coi nó có tư duy giống như con người.
- Chiều chó quá hoặc đối xử quá nghiêm khắc với chó đều sẽ có hậu quả cả trước mắt và lâu dài.
- Đối xử với chó không nhất quán, bừa bãi, vô nguyên tắc.
- Mệnh lệnh không rõ ràng, không ngắn gọn, nửa vời,dễ làm khó bỏ..
- Không coi trọng nguyên tắc "phòng bệnh hơn chữa bệnh";
- Coi nhẹ các vấn đề: nước uống, ăn mặn quá, chế độ vận động kém, nhiệt độ nơi ở của chó quá cao, vệ sinh, kí sinh trùng, dinh dưỡng, can xi v.v...
- Chó không được dạy dỗ đúng cách ngay từ nhỏ. Cứ nghĩ rằng khi lớn nó sẽ hiểu và ngoan!!!??? ("chiều chó từ thủa còn thơ. Sợ vợ từ thủa bơ vơ mới về" là hỏng bét!)