Lời mở đầu:
Trong thực tế, rất nhiều con chó đã qua huấn luyện cẩn thận mà chủ chó (nuôi chó từ bé gửi đi huấn luyện, hoặc mua chó đã huấn luyện), nhưng về nhà vẫn không sử dụng được, dẫn đến chán chó và có những hành xử không đúng: chê bai nơi huấn luyện; chê chó kém; cư xử thô bạo với chó; không chăm sóc chó chu đáo nữa, thậm chí bán hoặc cho người khác. Họ đâu biết rằng nguyên nhân chính của việc chó không thực hiện yêu cầu của mình chính là từ chủ chó, do: không hiểu chó của mình nói riêng và không hiểu giống chó nói chung; không nắm vững các nguyên tắc và kỹ năng huấn luyện và sử dụng chó; chủ không có uy, không được chó yêu quý. Cụ thể:
1- Quan hệ giữa chủ chó và chó chưa tốt: chủ không có uy, không được chó quý mến, đặc biệt là đối với những người chủ mới (mua chó lớn về chứ không phải nuôi nó từ bé); Hoặc, chủ chó chiều chó quá, chiều chó vô điều kiện, dẫn đến chó coi thường chủ, tưởng rằng nó mới chính là chủ, là con đầu đàn trong nhà.
2- Chủ chó không hiểu tâm sinh lý, các năng lực riêng của chó, của từng giống chó, hệ thần kinh của từng con chó (mạnh, cân bằng, yếu...) nên có những hành động không phù hợp. Ngoài ra, chó rất hạn chế trong việc tiếp thu thông qua ngôn ngữ âm thanh bằng lời nói: 1 mệnh lệnh kéo dài 3 âm trở lên là chó rất khó nhận biết hoặc phân biệt để thực hiện.
3- Chủ chó chỉ hiểu đơn giản là bất cứ con chó nào đã qua huấn luyện là đương nhiên sẽ nghe lời. Nên nhớ con chó không phải là cái máy, mà nó còn có tình cảm, biết suy nghĩ..., Trong rất nhiều trường hợp chó ứng xử như con người (yêu, sợ, tôn trọng, thói quen... thì mới nghe lời).
4- Chủ chó không nắm vững các kỹ năng sử dụng chó: động tác tay, khẩu lệnh..., đòi sử dụng nhưng tín hiệu ra lệnh không đúng với những tín hiệu chó được học thì chó biết đằng nào để nghe lời?
CÁC NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG CHÓ ĐÃ QUA HUẤN LUYỆN
Để sử dụng chó đã qua huấn luyện 1 cách thực sự hiệu quả, chủ chó phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc sau đây:
1- Chó phải đang khỏe mạnh. Không sử dụng chó đang bị ốm, bị mệt, chó đang bị stress, chó không tập trung chú ý do sinh lý (động dục).
2- Đặc biệt lưu ý 1 số giống chó cực kỳ năng động như Malinois, Labrador, Doberman,.. có nhu cầu vận động rất cao. Nếu chó thường xuyên bị nhốt xích, cũi... thì khi thả ra đừng hi vọng tập luyện hoặc sai bảo ngay, mà cần thiết đề cho chó chạy 1 hồi để giãn gân cốt đỡ cuồng cẳng, đi vệ sinh... sau đó mới tập luyện hoặc làm việc gì đó theo yêu cầu. Vì vậy, nếu có thể thì nên thường xuyên thả chó tự do có kiểm soát, hoặc định giờ cho chó tập chạy (ban ngày không được thì cho chạy ban đêm).
3- Thái độ của chủ chó phải nghiêm túc khi ra lệnh, không cười cợt đùa nhả với chó, nhưng không tỏ ra quá nghiêm khắc, cáu giận, mất bình tĩnh...
4- Mệnh lệnh (khẩu lệnh hoặc tín hiệu bằng tay) phải rõ ràng, dứt khoát, đảm bảo chó phải nghe rõ, hoặc nhìn thấy rõ tín hiệu của chủ.
5- Chó phải có thái độ tập trung chờ lệnh chủ. Nếu chó đang phân tán chú ý vào việc khác, chủ chó phải gọi tên chó, thậm chí điều khiển bằng dây cương để chó tập trung chú ý vào chủ rồi mới ra lệnh. Không ra lệnh khi chó đang đi vệ sinh hoặc mất tập trung vào việc khác.
6- Mệnh lệnh phải đúng tín hiệu chó đã được học. Ra những mệnh lệnh mà chó không được học thì chó sẽ không hiểu và không tuân theo. Không nên tự ý dạy thêm mà không tham khảo ý kiến của huấn luyện viên chuyên nghiệp.
7- Sử dụng mệnh lệnh không được nửa vời. Đã ra lệnh thì phải bắt buộc chó thực hiện bằng được, không được bỏ dở nửa chừng vì bất cứ lý do gì.
8- Sử dụng mệnh lệnh phải nhất quán: 1- Nhất quán về nội dung: không được lúc thế này, lúc lại thế kia (ví dụ; lúc chó chầu mồm thì cho ăn, lúc khác thì lại mắng đuổi đi làm cho chó không biết thế nào hiểu được chủ); 2- Nhất quán về hình thức, không thể 1 mệnh lệnh lúc thì 1 âm tiết, lúc thì 2, 3 âm tiết (ví dụ mệnh lệnh ngồi: lúc thì "ngồi", lúc thì "ngồi xuống ngay" chó sẽ khó hiểu).
9- Ngoài việc luyện tập, thì chủ chó chỉ ra lệnh cho chó khi cần thiết, tránh lạm dụng sẽ làm chó mệt mỏi, trơ lì, nhàm chán với mệnh lệnh của chủ.
10- Rất cần thận trọng khi ra mệnh lệnh tấn công vì rất dế gây nguy hiểm, tai nạn không cần thiết.
11- Chó thực hiện tốt mệnh lệnh của chủ thì chủ phải khen thưởng ngay và luôn. (thức ăn, đồ chơi, lời khen ngợi, vuốt ve tùy lúc phù hợp với nhu cầu của chó).
12- Không được thô bạo với chó khi chó chưa nghe lời, nhất là đánh chó bằng dây cương. Chú ý: "nghiêm túc khi ra lệnh, tình cảm khi chăm sóc chó".
13- Đảm bảo sức khỏe của chó: ăn uông đầy đủ, đúng giờ, sạch sẽ, định kỳ tiêm vắc xin và tẩy giun chó chó.
14- Tuân thủ hướng dẫn của huấn luyện viên: khi đưa chó về nhà phải chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: bắt chó tập "những động tác huấn luyện chó" để chó được ôn luyện và tạo thói quen nghe lời chủ (giai đoạn này chủ trở thành thầy giáo - để chủ có uy và chó có thói quen nghe lời chủ); Thời gian tập là 10 ngày. Chú ý tập 1 động tác không được tập quá 3 lần liên tiếp.
- Giai đoạn 2: bắt chó thực hành "những động tác sử dụng chó". Thời gian tập là 10 ngày.
Thời gian huấn luyện chỉ 15 đến 20 phút/buổi. Nếu chủ chó làm ngay Giai đoạn 2 thì gọi là "đốt cháy giai đoạn", và thường sẽ thất bại trong việc sử dụng chó. Mục 14 này rất quan trọng nên yêu cầu chủ chó phải thực hiện nghiêm túc, và theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa.
Ngoài ra, chủ chó nên giữ mối quan hệ với trung tâm huấn luyện để được hỗ trợ khi cần thiết.
(Nguyễn Mạnh Hà)